Công nhân nêu khó tích lũy mua nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỷ đồng: Một số công nhân nói thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng mỗi tháng, phải trang trải nhiều thứ nên việc tích lũy mua nhà ở TP HCM là điều không thể.
Công nhân nêu khó tích lũy mua nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỷ đồng
Ý kiến được công nhân đưa ra tại hội nghị tiếp xúc của HĐND thành phố HCM với hơn 400 lao động nữ về chủ đề chính sách an sinh xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, sáng 24/4.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, tài xế xe ôm công nghệ, cho biết mình là lao động nhập cư, thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng chỉ đủ nuôi một con trai đang đi học, thuê nhà trọ giá 1,5 triệu đồng. Số tiền còn lại phải tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống nên chuyện tích lũy mua nhà rất khó thực hiện. Từ đó nữ tài xế kiến nghị thành phố xây các chung cư với căn hộ có diện tích nhỏ, giá phù hợp thu nhập công nhân, bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ.
Mong muốn có được chỗ ở ổn định, chị Hà Thị Trang, làm việc tại Công ty Daeyoung Electronics Việt Nam, nói thêm hai năm lương không tăng nhưng giá cả sinh hoạt tăng 10-20% mỗi năm. Nhiều công nhân về sống ở Bình Dương, Đồng Nai, chấp nhận đi xa cũng khó mua được nhà. Nữ công nhân mong thành phố xây các khu nhà ở xã hội, nhà lưu trú để công nhân thuê giá rẻ, giảm bớt gánh nặng.
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy, qua khảo sát của công đoàn phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP HCM xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân là thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả hàng tháng. Hiện, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn. Mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm.
Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội ở thành phố quá ít so với nhu cầu nên ngay cả những người đã để dành được 300-500 triệu đồng cũng khó mua được. Sau 15 năm, thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất, theo số liệu của Sở Xây dựng.
Kết quả khảo sát về nhu cầu nhà ở được công đoàn thực hiện mới đây chỉ ra khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng, khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10-15% thu nhập chi trả chỗ ở.
“Phát triển nhà cho thuê sẽ giải quyết vấn đề chỗ ở đạt tiêu chuẩn dễ dàng hơn là xây bán và phù hợp với nhu cầu thực tế của lao động”, bà Thúy nói.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết đơn vị này đã kiến nghị UBND thành phố triển khai gói hỗ trợ cho người thuê trọ và chủ nhà trọ. Cụ thể, người đi thuê trọ được miễn giảm giá điện, nước; chủ trọ được tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất khoảng 100 tỷ đồng sửa chữa, xây phòng trọ trong 3 năm. Chủ nhà trọ được miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục xây dựng, cải tạo nhà.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, để có thêm nhiều dự án được triển khai, sở sẽ đề xuất các vấn đề liên quan đến thủ tục như rút ngắn thời gian cấp phép xuống còn 6 tháng thay vì một năm như hiện nay; rà soát lại quỹ đất, các dự án treo, đất trong các khu công nghiệp. Về kinh phí, tài chính rất cần sự quan tâm của doanh nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
Toàn thành phố có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức), tỷ lệ lao động nữ chiếm 45%.
Giữa tháng 4, HĐND TP HCM phối hợp công đoàn, hội phụ nữ thành phố khảo sát 41.000 lao động nữ về nhu cầu nhà ở. Kết quả cho thấy trên 40% công nhân ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình và chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố. 40% người khảo sát có thu nhập 5-10 triệu đồng, 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng.
Công nhân sống chật vật trong phòng trọ vài m2
TP HCM Buổi tối, khi đưa hai xe máy vào phòng, 3 người trong gia đình chị Thường còn chừng 3m2 để ngủ, duỗi chân đụng bếp, lăn sang trái, phải thì va vào xe, vách tường.
Chị Mộng Thường, 27 tuổi, công nhân Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức) và chồng – anh Đức Phú, tài xế xe ôm công nghệ thuê phòng trọ chưa đến 9 m2 trong con hẻm nhỏ trên đường số 9, phường Linh Xuân. Căn phòng được lợp tôn, nền cao hơn lối đi chung của dãy trọ tầm một tấc, có gác xép, khu vệ sinh, tắm giặt khép kín.
“Căn phòng ngang 2,4 m, dài 3,6 m, nhân lên mới được 8,64 m2 gồm cả toilet”, anh Phú kéo thước dây đo lại sau khi đếm tới lui từng viên gạch. Cuối phòng là khu vực nấu ăn. Trên chiếc bàn nhỏ, chị Thường đặt một bếp ga mini, lọ mắm, muối, dưới là xô nhựa đựng gạo, mì tôm, rau quả được cho vào túi treo lên cao tiết kiệm không gian.
Vợ chồng nữ công nhân nhiều lần bàn tính mua tủ lạnh, máy giặt hoặc tủ áo quần nhưng lại thôi vì không có chỗ để. Hồi tháng 2, con gái 3 tuổi quấy khóc vì phòng quá nóng, anh chị quyết định lắp điều hòa bởi “treo lên tường, không tốn diện tích”.
Sau gần chục năm rời miền Tây lên thành phố lập nghiệp, tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị Thường tầm 13 triệu đồng. Nữ công nhân liệt kê, phí gửi trẻ 2 triệu, ăn uống mỗi ngày 150.000 đồng, mỗi tháng “bay” mất 4,5 triệu đồng, trả góp tiền xe 2,4 triệu đồng. Không ốm đau, đám tiệc, mỗi tháng chị còn 4 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi, gia đình không dám tìm phòng trọ lớn hơn, nên bằng lòng với chỗ ở hiện tại, mỗi tháng chỉ mất gần 1,3 triệu đồng bao cả điện, nước.
“Phòng nhỏ nhưng không bị ngập khi triều cường, cống không thối, nghẹt. Chủ nhà tốt bụng cho khất tiền nếu mình kẹt”, anh Phú nêu những ưu điểm và cho rằng không phải chỗ trọ nào cũng có được như ở đây.
So với chỗ ở của đình chị Thường, phòng trọ chị Kim Chi thuê trên đường Bờ Sông, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) rộng hơn 3 m2, tiền trả mỗi tháng cao hơn 500.000 đồng. Để tiết kiệm, chị ở ghép với một đồng nghiệp. Gần 6 năm gắn bó với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, tính cả tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chị hơn 8 triệu đồng.
“Tôi muốn để dành tiền nên chi tiêu dè xẻn, tiền trọ không được quá 15% lương”, nữ công nhân 29 tuổi tính toán. Khu trọ nơi chị Chi tá túc có khoảng 80 phòng, gần 200 người sinh sống. Hơn 4 tháng thành phố siết giãn cách, xung quanh có nhiều F0, chị gần như bó gối ngồi trong phòng. Hôm nào thèm khí trời, chị phải chờ các phòng xung quanh đóng cửa mới dám ra ngoài hít thở.
“Lúc đó tôi chỉ muốn lên xe máy chạy ngay về nhà ở Cần Thơ, cảm giác bí bách thật đáng sợ”, chị Kim Chi nhớ lại.
Gia đình nữ công nhân Mộng Thường, Kim Chi là 2 trong hơn một triệu lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc trong các nhà máy đang sống trong các phòng trọ có diện tích khoảng 3 m2/người. Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM về nhu cầu nhà ở công nhân thực hiện cuối năm ngoái, 70% lực lượng lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ở tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người.
Trong số này, chỉ có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây sửa, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14 m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả 2-3 triệu đồng. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Phạm Chí Tâm, nếu so với quy định của Luật Cư trú, diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú không thấp hơn 8m2 sàn mỗi người thì chỗ ở của công nhân chưa đạt một nửa. Người lao động sống gói ghém trong các phòng trọ chật hẹp, nhiều nơi không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lao động.
Trước thời điểm dịch bùng phát, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố có hơn 320.000 lao động, hơn một nửa là người ngoại tỉnh cần chỗ ở. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM cho rằng với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, không có tích lũy nên công nhân khó mua nhà hoặc thuê phòng trọ rộng rãi. Các dự án nhà ở dành cho công nhân cũng khá ít ỏi.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP HCM, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở hơn 66.000 người. Trong đó, 19 dự án với gần 15.000 căn hộ, giá trị đầu tư xây dựng được thẩm định cao nhất là 15,5 triệu/m2. Một dự án nhà lưu trú công nhân với hơn 750 phòng.
“Khi không có chỗ ở ổn định, người lao động sẵn sàng di chuyển nếu tìm được nơi giá rẻ hơn hoặc thậm chí bỏ thành phố về quê, tác động tiêu cực đến nguồn lao động của nhà máy”, ông Huỳnh Văn Tuấn nói.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM thông tin, đầu tháng 9 có 300 doanh nghiệp khảo sát tình hình lao động để chuẩn bị sản xuất khi thành phố “mở cửa”. Theo đó, chỉ 40% người lao động về quê muốn quay lại, số khác chờ qua Tết nguyên đán. Một nguyên nhân tác động tâm lý công nhân chính là chỗ ở. Nhiều phòng trọ chỉ 10m2, song 10 người chen nhau chung sống.
Theo ông Việt Anh, nếu như trước dịch, công nhân chia nhau làm ca ngày, ca đêm, chỗ ở thoải mái thì suốt 4 tháng giãn cách, tất cả phải ở nhà toàn thời gian, không gian sống chật hẹp, phát sinh nhiều ca nhiễm. Họ chứng kiến những F0 ở khu trọ đi rồi không thấy quay về. Sống trong môi trường tù túng đó, nhiều lao động mệt mỏi, lo lắng, chỉ muốn về quê cho an toàn.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, gần 600.000 người rời TP HCM về các tỉnh, trong đó nhiều trường hợp do mất việc lâu ngày, không có tiền trả cho chủ nhà.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ xây một triệu nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ… để công nhân, người thu nhập thấp tiếp cận được. Người đứng đầu chính quyền thành phố thừa nhận TP HCM đón lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa đầu tư đúng mức.
70% công nhân đang thuê trọ
Khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người.
Ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình dẫn thống kê về dân số và nhà ở nêu số liệu trên tại hội nghị giữa Công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, chiều 12/10.
Theo ông, việc gia tăng hàng loạt khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh… thu hút hàng triệu lao động làm việc, khiến nhu cầu chỗ ở tăng cao. Hiện hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy.
“Công nhân phải chấp nhận ở thuê trong các phòng trọ rất chật hẹp, diện tích chỉ 2-3 m2 mỗi người”, ông Quý nói.
40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Công nhân xa con ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm gia đình. Họ cũng không có nhiều thời gian chăm sóc con cái khi phải tăng ca. Đời sống giải trí, tinh thần của công nhân Việt Nam khá “nghèo nàn”. Tình trạng bạo lực gia đình, công nhân mắc nợ xấu, tín dụng đen… có thể gia tăng sau đợt dịch.
Ông Quý nói số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trong những năm tới, nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ. Chính sách hiện hành cũng chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là vốn và đất đai.
Ông kiến nghị các tỉnh, thành cần khảo sát nhu cầu để có kế hoạch xây dựng nhà ở, bán cho công nhân với giá ưu đãi; đi kèm là các công trình như nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất. “Có như vậy địa phương mới giữ chân được người lao động ở lại làm việc”, ông nói.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thiếu nhà ở, nơi khám bệnh là một trong những bức xúc của công nhân. Ngoài ra, công nhân còn gặp tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi 35-40; mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Họ phải gửi con về quê, gửi con ở điểm trông trẻ điều kiện kém; không có thời gian chăm sóc gia đình.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết cơ quan này đã khảo sát một bộ phận công nhân về đề xuất làm thêm giờ. 80% công nhân đồng ý làm thêm vượt trần 40 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm. Lý do chính mà họ phải chấp nhận làm thêm giờ là không có tích lũy, giảm thu nhập sau đợt dịch kéo dài.
Theo ông, công nhân hồi hương khó quay trở lại thành phố làm việc, khiến nơi thiếu hụt lao động, nơi thừa người nhưng lại không có việc làm.
Đợt dịch thứ tư kéo dài đã khiến hơn 2 triệu công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đi cách ly, trị bệnh. Khoảng 1,3 triệu lao động đã rời thành phố để về quê, tính đến 15/9.
https://vnexpress.net/70-cong-nhan-dang-thue-tro-4370843.html