Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy: Tâm và tài
Ngành GD&ĐT cả nước tôn vinh anh là “Nhà giáo tiêu biểu”, là “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Anh xứng đáng với tất cả những danh hiệu đó. Riêng với tôi, anh đơn giản với hình ảnh một anh giáo trường huyện có tâm và có tài, chân chất, mộc mạc như những gì toát ra từ con người anh. Anh là Huỳnh Duy Thủy, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh bình định và cha Huỳnh Anh Vũ .
Cậu đã có vòng nguyệt quế một cách xứng đáng và bản lĩnh” – đó là câu chúc mừng của những người bạn cùng “leo núi” với Huỳnh Anh Vũ (HS Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Hoài Nhơn, Bình Định) khi kết thúc chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2008
https://tuoitre.vn/anh-vu—niem-tu-hao-dat-vo-254855.htm
Không ngừng tự học, sáng tạo
Dạy học từ năm 1984, đến nay anh đã có trên 30 năm gắn bó với những bài toán, những giờ lên lớp. Theo quy luật thông thường, thời gian, tuổi tác làm cho con người ta ngày càng ì ra, có tâm lý nghỉ ngơi nhưng với anh, càng có tuổi anh càng say Toán, mê nghề và dành hầu hết thời gian cho Toán, cho học sinh (HS).
+ Điều gì khiến anh đắm đuối với Toán theo một hành trình “ngược”như vậy?
Ở trường, tôi được giao nhiệm vụ bồi dưỡng HS giỏi. Mỗi lần có bài toán nào không giải quyết được, HS lại tìm đến tôi. Thời trẻ, có nhiều bài toán làm tôi mất ăn mất ngủ. Nhưng tôi xác định, đã chọn nghề phải đối diện với cái khuất lấp, phức tạp của công việc chứ không được dừng ở mức “được chăng hay chớ”. Từ đó, tôi “đi sâu” vào toán phổ thông, nhất là toán bồi dưỡng HS giỏi… Cách đây gần 20 năm, tôi nhận được một cuốn kỷ yếu của người bạn ở TP Hồ Chí Minh gởi tặng, trong đó có những bài viết phục vụ công tác bồi dưỡng HS giỏi ở TP Hồ Chí Minh. Tôi đọc, thấy mình có thể làm được và cứ bị cuốn dần, cuốn dần vào việc mổ xẻ, phân tích những đề toán. Rồi, tôi tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, viết bài cho các tạp chí toán học, đặc san toán; các bài viết được xuất bản thành tài liệu tham khảo cho học sinh giỏi toán. Tôi được mời đi báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học bồi dưỡng HS giỏi Toán các khu vực trong cả nước tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Khánh Hòa, Quy Nhơn, Đồng Tháp… Đi hội thảo, là người học Toán được nói về Toán và được nói với góc nhìn của mình, có “dân toán” nghe, được “dân toán”phản biện, thẩm định tôi thấy thích lắm. Tôi còn có một cái “tật”, là thích lên mạng tìm những đề thi quốc gia, quốc tế, đáp án đã có sẵn rồi nhưng lại cứ muốn “xới” tung nó lên, tìm một cách giải khác, một cách tiếp cận mới, dù còn vụng về nhưng là của riêng mình.
Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy đã kiên trì dẫn dắt HS chủ động tiếp cận tri thức từ những tiết học trên lớp. Ảnh: Trường Đăng
+ Bồi dưỡng HS giỏi là công việc rất khó khăn. Muốn thành công phải có những giáo viên thật giỏi và tận tụy…
Để hoàn thành một giờ dạy trên lớp, với yêu cầu truyền đạt những kiến thức cơ bản cho HS, một giáo viên thâm niên lên lớp đã trở thành kỹ năng, thì không phải đào sâu hay đầu tư gì nhiều; và đa số HS cũng chỉ cần những kiến thức nền tảng để hoàn thành chương trình. Thế nhưng, còn có những HS giỏi với mục tiêu đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; HS cần đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi đại học phải đối diện với 1-2 bài toán rất khó. Để dạy cho số ít HS đó, cần có những giáo viên đầu tư sâu, vừa dạy vừa học. Với “đầu vào” của một trường THPT công lập như Tăng Bạt Hổ, để đào tạo được một HS đạt điểm 7 trong kỳ thi đại học đã là một cố gắng rất lớn và đạt được điểm 8-10 như vượt qua đỉnh núi, là cả một vấn đề, phụ thuộc vào tố chất, đam mê của người học và sự tận tụy hết lòng của người dạy. Có những năm tôi có đến 5 học trò đạt điểm 10 môn Toán trong kỳ thi đại học. Đối với tôi đây là niềm vui rất lớn.
Đổi mới phương pháp dạy học như thế nào cho tốt, cho hiệu quả, luôn là vấn đề thời sự mà ngành GD&ĐT và toàn xã hội hướng đến và mong đợi. Không ồn ào, anh lặng lẽ hướng HS theo phương pháp học chủ động, tích cực. Với anh, để đổi mới phương pháp dạy học cần giải quyết hài hòa cả lý thuyết và thực tại. Lý thuyết, tựu trung là cái hay, cái mới mà nhà giáo cần hướng tới. Thực tại là cái mà nhà giáo đang chung sống với nó, đối diện với nó, trăn trở với nó hàng ngày, hàng giờ. Và anh đã luôn cố gắng tìm mọi cách có thể nhằm điều chỉnh, gọt giũa thực tại, nâng cao nó, làm trong sáng nó theo hướng dần tiệm cận với phần lý thuyết.
*Để đổi mới dạy và học còn có quá nhiều rào cản. Đó là thời lượng 1 tiết dạy còn ít so với khối lượng kiến thức cần cung cấp cho HS; số lượng HS trên lớp khá đông lại chưa có sự đồng đều về năng lực; cơ sở vật chất, thiết bị chưa tương xứng… Bởi vậy, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng và quyết tâm thực hiện?
Tôi đã kiên trì đổi mới từ trong tiết dạy. Những gì HS nghĩ được, nghĩ đúng, làm được, làm đúng, thầy cô chỉ cần hướng dẫn các em cô đọng, khắc sâu, khẳng định dứt điểm. Người dạy cần tạo niềm tin, sự hứng thú trong học tập, giúp HS coi học tập không chỉ là trách nhiệm, là nhu cầu mà còn là niềm vui nữa. Nói như nhà toán học nổi tiếng Pô Li a “dòng sông nào cũng bắt nguồn từ những con suối nhỏ”. Nhiệm vụ của người thầy là tìm ra con đường đi đến với những dòng suối nhỏ kia.
Hai là, tôi dạy cho HS cách tiếp cận tri thức. Nói một cách hình ảnh, từ tầng thứ nhất của một ngôi nhà, muốn lên đến tầng hai, tầng ba, ta cần phải qua giai đoạn trung gian là những bậc thang, chứ không thể kỳ vọng, huyễn hoặc bằng một động tác nhún người sẽ đưa ta lên đến tầng cao nhất. Tức là, để giải quyết một bài toán khó, ngoài việc nắm chắc kiến thức căn bản, nền tảng, cần rèn luyện cho HS kỹ năng giải quyết những bài toán đơn giản hơn, vừa sức hơn. Với cách tiếp cận này, HS sẽ tạo ra những ý nghĩ mới mang tính bước ngoặt, khác lạ, độc lập, tinh tế trong tư duy, qua đó hình thành phong cách, phương pháp nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
Đến trường THPT Tăng Bạt Hổ, nhiều người sẽ bắt gặp hình ảnh đang trở nên quen thuộc là những nhóm HS tụm năm, tụm ba trên ghế đá, dưới tán me xanh trong sân trường cùng nhau trao đổi, luận bàn, tìm hiểu những bài toán khó. Đó là cách tôi muốn hướng các em đến phương pháp học chủ động từ trong các hoạt động ngoài giờ.
Để có những điểm 9, điểm 10 trong các kỳ thi “đỉnh cao”, ngoài có tố chất tốt và đam mê việc học, HS rất cần những thầy, cô giáo giỏi và tận tụy. Ảnh: Trường Đăng
Tấm lòng một người thầy
Tạo một con đường, cách tiếp cận đúng hướng và hết lòng dẫn dắt HS đi theo con đường gai góc, gian nan nhưng đầy hiệu quả, trong khi sự bù đắp công sức mà người giáo viên nhận được chẳng đáng là bao. Bởi vẫn còn nhiều nghịch lý trong giáo dục, chẳng hạn như chế độ bồi dưỡng 1 tiết dạy HS giỏi chỉ bằng 1/2 so với tiết dạy phụ đạo do nhà trường tổ chức ,trong khi công sức bỏ ra không thể đong đếm được. Tôi cho đó là sự thiệt thòi. Nhưng với anh, cái mà người ta đam mê thì không phải là áp lực và những điểm số tối đa của HS trong các kỳ thi “đỉnh cao” cho anh quá nhiều niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
* Anh nghĩ gì về nghề giáo trong cơ chế thị trường?
Nhiều người thường nói nghề dạy học còn “bạc” hơn nghề đưa đò, nhưng tôi cho rằng, đừng đổ lỗi cho những cái xung quanh, mình tận tâm, tận lực với học trò thì những điều tốt đẹp, ân nghĩa thầy trò vẫn còn mãi mãi. Hơn 20 năm trước, tôi đã từng bạt tai một cậu HS mang tài liệu vào phòng thi. Sau này có dịp về quê, cậu HS ngày ấy nay đã thành đạt, đến thăm tôi có nói rằng “điều con nhớ nhất ở thầy là sự nghiêm khắc; chính thầy đã dạy cho con sống trung thực và vươn tới thành công bằng khả năng của chính mình”.
Người ta nói, dân toán thường hay khô khan. Anh lại là ngoại lệ. Anh mê vọng cổ và ca vọng cổ cũng thật “mùi”. Nói đến thành tích đào tạo HS giỏi, anh tỏ ra rất kiệm lời và liên tục nhắc tôi, đừng viết gì “quá”, anh chỉ đóng góp một phần vô cùng bé nhỏ. Nhưng khi nói về vọng cổ, anh như người “nhập đồng”, khe khẽ hát tôi nghe mấy câu vọng cổ tự sáng tác trong lúc chờ xe đi Cao Lãnh (Đồng Tháp) tham dự Hội thảo khoa học bồi dưỡng HS giỏi Toán các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Anh nói, ở trên lớp anh cũng hay dạy học trò hát và khi được hát anh thấy cuộc sống nhẹ nhõm, đáng yêu và… càng giải được nhiều Toán hơn. Ngoài ra, anh còn dành thời gian lên mạng “chat” với cậu con trai Huỳnh Anh Vũ, nhà vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 8. Hiện Vũ đang giảng dạy và là nghiên cứu sinh ngành Tài chính – Kinh tế tại Đại học Swinburne (Australia).Bên cạnh tình cha con, anh là người thầy có công đầu trong việc dẫn dắt Vũ chinh phục những đỉnh cao kiến thức với lòng quyết tâm và say mê. Và, cha con họ vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về phong cách lên lớp, về phương pháp dạy học khi giờ đây Vũ đang tiếp nối con đường anh đã chọn.
Trong quá trình công tác, nhà giáo Huỳnh Duy Thủy (sinh năm 1962, tại Hoài Nhơn) đã 10 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và 3 bằng khen của Bộ GD&ĐT; được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, “Nhà giáo tiêu biểu” toàn tỉnh và là giáo viên duy nhất đại diện cho đội ngũ giáo viên toàn tỉnh tham dự Hội nghị vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu” toàn quốc lần thứ nhất, giai đoạn 2008-2013, tổ chức tại Hà Nội. Anh cũng đã đạt giải trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VIII của tỉnh và được nhận Huy chương Sáng tạo và bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Trong 5 năm gần đây, anh đã bồi dưỡng được 12 HS của trường THPT Tăng Bạt Hổ đạt giải HS giỏi cấp tỉnh môn Toán, trong đó có 1 giải Nhất; tham gia giảng dạy đội tuyển HS giỏi bộ môn Toán của tỉnh, dự thi HS giỏi cấp quốc gia, kết quả có 9 giải Toán cấp quốc gia.
TT – “Cậu đã có vòng nguyệt quế một cách xứng đáng và bản lĩnh” – đó là câu chúc mừng của những người bạn cùng “leo núi” với Huỳnh Anh Vũ (HS Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Hoài Nhơn, Bình Định) khi kết thúc chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2008 diễn ra hôm qua, 27-4, tại trường quay S9, Đài THVN.
Nghe đọc nội dung toàn bài:
Không chỉ đem về cho mình sự vinh quang và một suất học bổng trị giá 35.000 USD mà Vũ còn trở thành niềm tự hào của những người con miền đất võ.
Dẫn điểm từ đầu đến cuối
Bảng thành tích học tập của Huỳnh Anh Vũ cũng làm nhiều người phải… choáng: lớp 10 và lớp 11, Vũ đạt điểm bình quân hơn 9,0. Đặc biệt năm lớp 11 Vũ đạt “cú ba” ngoạn mục”: giải nhất môn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho lớp 12, giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn hóa, chiếc huy chương vàng trong kỳ thi Olympic 30-4 các trường trung học phổ thông toàn miền Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Tại lần “leo núi” quí 2- 2008, Vũ cũng đạt số điểm kỷ lục: 335, cao nhất từ trước đến nay.
Bước vào cuộc chơi căng thẳng với những đối thủ nặng ký và sức học không hề thua kém, nhưng những người có mặt theo dõi cuộc thi không hề thấy Huỳnh Anh Vũ một chút hồi hộp hay… run! Phần thi “Khởi động” với nhiều câu hỏi toàn diện cả các bộ môn tự nhiên, xã hội được Vũ nhanh chóng vượt qua (trả lời 7/10 câu hỏi) với số điểm 70. Nhiều thầy cô, các chuyên gia cố vấn có mặt trong trường quay Đài THVN nghe Vũ trả lời nhanh và gọn đã gật gù: Khá toàn diện!
Ba nhà leo núi khác cũng có số điểm khá cao trong phần thi này là Nguyễn Lê Duy (HS Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây); Nguyễn Mạnh Tấn (HS Trường THPT Quốc học Huế) đều được 50 điểm và Lê Trung Hiếu (THPT năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng) 30 điểm.
Nhưng đến phần thi “Vượt chướng ngại vật”, Huỳnh Anh Vũ đã thật sự bứt phá về số điểm. Chỉ mới xuất hiện bốn từ hàng ngang, Vũ đã mạnh dạn bấm chuông xin trả lời từ hàng dọc. Tên bài hát Nụ cười đã đem lại cho Vũ số điểm tổng cộng là 145 và lại là người dẫn đầu. Đáp án rất gọn gàng ở phần thi “Tăng tốc” đem về cho Vũ thêm 100 điểm nữa. Đến lúc này, thực tế chỉ còn Nguyễn Mạnh Tấn là người có nhiều khả năng cạnh tranh với Vũ ở phần thi “Về đích” với số điểm 225.
Không khí trong trường quay S9 và ba điểm cầu truyền hình khác nóng lên từng phút, hồi hộp theo dõi phần thi cuối cùng. Bất ngờ Lê Duy đã “lặng lẽ tiến và sử dụng ngôi sao hi vọng đúng lúc” để rồi có số điểm 250. Khá bình tĩnh, chọn gói câu hỏi 60 điểm, Vũ không bỏ lỡ nâng tổng số điểm của mình lên 285. Bây giờ, chỉ còn đợi phần thi của Mạnh Tấn sẽ rõ vòng nguyệt quế được trao cho ai. Được 225 điểm từ phần thi trước, Mạnh Tấn chọn gói câu hỏi 80. Nếu Tấn trả lời được toàn bộ sẽ trở thành nhà vô địch. Tuy nhiên, hai câu trả lời không đúng (một câu 10 điểm, một câu 30 điểm) đã được Anh Vũ tận dụng để tiếp tục vượt lên.
Với việc trả lời được câu hỏi cuối cùng dành cho Mạnh Tấn “Hành lang kinh tế Đông Tây gồm những nước nào?”, Anh Vũ chứng minh một điều: việc học không chỉ trong sách vở. Huỳnh Anh Vũ đã là người chiến thắng với số điểm 325.
Trầm lắng và đam mê
Trước ngày diễn ra cuộc thi, các blogger đã có những lời động viên “Mõ Tui”- biệt danh của Vũ: “Ai một lần gặp “Mõ Tui” sẽ ấn tượng về anh chàng to con này (Vũ cao 1,8m – NV) vừa vui tính vừa hòa đồng nhưng lại có gì đấy trầm trầm đam mê rất giống anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa… Vũ à, ngôi trường làng bình thường này có lẽ lực không nhiều bằng các trường chuyên làm hậu phương như những nhà leo núi khác. Nhưng chúng mình, thầy cô và những người con nghèo Hoài Nhơn khác sẽ bên cạnh “Mõ Tui” trong cuộc thi chung kết ngày mai”. Những dòng viết cảm động ấy được rất nhiều bạn đáp lại và gọi Vũ là “hiện tượng Hoài Nhơn” hay “niềm tự hào đất võ”.
11g15 cả sân Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn, Bình Định) như nổ tung bởi tiếng reo hò của hàng trăm học sinh cổ vũ Huỳnh Anh Vũ qua sáu chiếc tivi đặt trước sân trường. Cậu học trò Bình Định với biệt danh “Mõ Tui” đã đặt chân lên đỉnh Olympia.
Đoạn quốc lộ 1A gần trường có nhiều lái xe dừng lại xem hết trận chung kết Olympia vì… “có đứa Bình Định mình thi”!
Tiếp xúc với rất nhiều phóng viên khi cuộc khi kết thúc, Vũ nói rất ít: “Em thích đọc báo, xem bóng đá, đánh bóng chuyền dù rất dở và nghe nhạc để rồi sau đó tỉnh táo học”. Ba của Vũ, ông Huỳnh Duy Thủy, giáo viên dạy toán của trường con mình, cũng chia sẻ rất ngắn: “Nó có một ưu điểm là tự học, chủ động và có một trí nhớ tốt”.
Trong niềm hân hoan Vũ vẫn rất từ tốn: “Với em, hành trình phía trước mới chỉ là bắt đầu, sẽ nhiều con dốc nữa, nhiều thách thức nữa nơi xứ người mà không phải lúc nào cũng có thầy cô, bạn bè đứng bên cạnh cổ vũ như ngày hôm nay”.
Được biết, số tiền có được từ các giải thưởng cuộc thi Olympia tuần – tháng – quí, Vũ đều dành toàn bộ để ủng hộ nạn nhân sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Quĩ khuyến học Bình Định. Và lần này Vũ cũng dành 20 triệu đồng để làm từ thiện. “Nhiều nơi trên nước mình, cả Hoài Nhơn, cả Bình Định nữa còn nhiều người nghèo lắm. Ba em vẫn nói: thành công là một chuyện, có một tấm lòng trong cuộc sống mới là quan trọng”- Vũ tâm sự.